Hoạt động bãi nô và Nghị sĩ tiền chiến Thaddeus_Stevens

Thay đổi quan điểm

Trong thập niên 1830 ít người hoạt động đòi bãi nô ngay lập tức. Phong trào bãi nô ở Hoa Kỳ lúc đó còn non trẻ và những nhân vật như William Lloyd Garrison chỉ mới bắt đầu tham gia.[34] Lý do mà Stevens tham gia phong trào còn có nhiều tranh cãi trong những người viết tiểu sử về ông gần đây. Richard Current trong năm 1942 đã đưa giả thuyết là ông tham gia vì tham vọng; Fawn Brodie trong quyển tiểu sử về Stevens gây tranh cãi năm 1959 dùng nguyên tắc tâm lý đưa ra giả thuyết ông tham gia vì đồng cảm với những người bị chà đạp, dựa vào khuyết tật của ông.[35] Trefousse, trong tác phẩm năm 1997 của mình, đưa giả thuyết rằng cảm tưởng của Stevens đối với những người bị chà đạp là một yếu tố, cộng thêm với ăn năn từ vụ án Butler, nhưng tham vọng có lẽ không phải là một động cơ thúc đẩy chính, vì hoạt động chống chế độ nô lệ đã làm cản trở sự nghiệp của ông.[36]

Tư gia Stevens tại Đường Queen, Lancaster, Pennsylvania

Tại hội nghị lập hiến Pennsylvania năm 1837, với tư cách là một đại biểu, Stevens đã phản đối việc tước quyền bỏ phiếu của người Mỹ gốc Phi.[37] Theo nhà sử họ Eric Foner, "Khi Stevens từ chối ký tên vào văn bản hiến pháp năm 1837 vì điều khoản về bầu cử, ông đã tuyên bố cam kết của mình đối với một định nghĩa về quyền công dân Mỹ mà không liên quan đến chủng tộc, một niềm tin ông giữ vững đến cuối đời."[38] Sau khi ông dọn nhà đến Lancaster, vốn không cách xa đường Mason–Dixon phân định giữa miền Nam nô lệ và miền Bắc tự do, ông tham gia phong trào Đường sắc ngầm, chẳng những bảo vệ những người bị cho là nô lệ chạy trốn mà còn sắp xếp các chuyển động những người đi tìm tự do.[39] Khi nhà ông ở Lancaster được tu sửa lại vào năm 2003, người ta đã tìm thấy một bình chứa nước bí mật để các nô lệ đang trốn chạy có thể trú ẩn, thông với tòa nhà chính qua một đường hầm giấu kín.[40][41]

Cho đến khi nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ, Stevens công khai ủng hộ bãi bỏ và ngăn chặn sự bành trướng của chế độ nô lệ. Tuy vậy, ông không kêu gọi can thiệp tại những tiểu bang đang có chế độ này vì đây là chuyện nội bộ, được Hiến pháp bảo vệ từ các sự can thiệp bên ngoài.[34] Ông cũng đã ủng hộ những ứng cử viên tổng thống sở hữu nô lệ là đảng viên Đảng Whig: Henry Clay năm 1844[42]Zachary Taylor năm 1848.[43]

Nhiệm kỳ đầu tiên tại Quốc hội

Trong năm 1848, Stevens ứng cử vào Quốc hội đại diện cho khu bầu cử thứ 8 của Pennsylvania. Tại đại hội đảng Whig ông gặp chống đối. Một số đại biểu cảm thấy Stevens không xứng đáng được đề cử vì đã gia nhập đảng muộn màng; một số người khác thì không ưa quan điểm của ông về chế độ nô lệ. Ông giành được đề cử với tỷ lệ sít sao. Đảng Whig giành kết quả tốt trong cuộc bầu cử năm đó, và Taylor đắc cử tổng thống còn Stevens thì đắc cử dân biểu.[44]

Khi Quốc hội Hoa Kỳ khóa 31 họp mặt vào tháng 12 năm 1849, Stevens nhậm chức cùng với nhiều ứng cử viên bãi nô khác như Salmon P. Chase. Stevens lên tiếng phản đối Thỏa hiệp năm 1850 do Thượng nghị sĩ Henry Clay từ Kentucky đề xuất, đưa thắng lợi cho cả hai phe Bắc và Nam, nhưng cũng cho phép một số lãnh thổ mới thu được từ Mexico trở thành tiểu bang có chế độ nô lệ.[45] Trong khi các tranh luận tiếp diễn, vào tháng 6 ông phát biểu "Cái chữ 'thỏa hiệp' này khi áp dụng vào nhân quyền và quyền hiến pháp thì tôi căm ghét."[46] Tuy nhiên, các đạo luật trong Thỏa hiệp đã được thông qua, kể cả Đạo luật Nô lệ Trốn chạy 1850 (Fugitive Slave Act of 1850) mà đối với Stevens là ghê tởm.[47] Dù nhiều người Mỹ hy vọng rằng Thỏa hiệp sẽ đem lại hòa bình giữa hai miền, Stevens cảnh báo rằng nó sẽ "sản sinh ra phiến loạn, chia rẽ, và nội chiến trong tương lai".[48]

Stevens dễ dàng được đề cử lại và tái đắc cử vào năm 1850, dù quan điểm của ông đã gây vấn đề với một số đảng viên Whig ủng hộ Thỏa hiệp.[49] Năm 1851, ông là một trong những luật sư bào chữa trong một vụ án xét xử 38 người Mỹ gốc Phi và ba người khác tại tòa án liên bang ở Philadelphia vì tội phản quốc. Những bị cáo đã dính líu vào cái gọi là vụ Nổi loạn Christiana, trong đó một người sở hữu nô lệ đã bị giết chết trong một nỗ lực thì hành một trát lệnh theo Đạo luật Nô lệ Trốn chạy. Thẩm phán Tòa án Tối cao Robert Grier, với tư cách là thẩm phán tuần tra của tòa thượng thẩm, là người chủ trì phiên xử. Grier đã chỉ thị bồi thẩm đoàn cho trắng án với lý do dù họ có thể đã có tội giết người hay nổi loạn, họ lại không bị buộc tội đó mà là tội phản quốc, và họ vô tội đối với tội danh đó. Những sự kiện thu hút dư luận như thế này đá góp phần phân cực ý kiến về vấn đề nô lệ và đưa tên tuổi Stevens lên như một nhân vật nổi bật trong phe bãi nô ở miền Bắc.[49][50]

Dù vậy, Stevens vẫn đã vấp phải nhiều vấn đề chính trị. Ông rời bỏ Đảng Whig vào tháng 12 năm 1851 khi những người chung đảng không hưởng ứng nỗ lực của ông nhằm bãi bỏ những thành phần ghê gớm nhất của Thỏa hiệp, nhưng ông đã ủng hộ ứng cử viên tổng thống thất bại của đảng trong cuộc bầu cử năm 1852 là Tướng Winfield Scott. Nhận thấy mình khó được đề cử lại do các thành phần chống đối, quan điểm về chế độ nô lệ không được ưa thích tại địa phương, và việc ông tham gia trong vụ án phản quốc, nên ông chỉ mong muốn chọn người thay thế mình. Người được ông chọn cũng không được đảng Whig đề cử.[51]

Đảng Không biết gì và Đảng Cộng hòa

Không còn tại chức, Stevens tập trung vào việc hành nghề luật ở Lancaster, duy trì tiếng tăm là một trong những luật sư hàng đầu tiểu bang. Ông vẫn hoạt động trong chính trường, và vào năm 1854 đã gia nhập Đảng Không biết gì để giành thêm lá phiếu cho phong trào bãi nô. Đây là một đảng chống nhập cư và bài ngoại nhưng lại có quan điểm bãi nô và ủng hộ quyền lao động. Các thành viên cam kết không tiết lộ thông tin về các cuộc bàn luận nội bộ (vì thế nên họ "không biết gì"), và Stevens bị chỉ trích vì đã gia nhập một nhóm có các quy tắc bí mật giống như Hội Tam Điểm. Năm 1855, ông gia nhập Đảng Cộng hòa mới được thành lập. Nhiều cựu đảng viên Whig chống chế độ nô lệ cũng gia nhập, trong đó có William H. Seward từ New York, Charles E. Sumner từ Massachusetts, và Abraham Lincoln từ Illinois.[52]

Stevens là một đại biểu trong Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hòa năm 1856 và ông đã ủng hộ Thẩm phán McLean như ông từng làm vào năm 1832. Tuy nhiên, đại hội đã đề cử John C. Frémont, người mà Stevens tích cực ủng hộ trong cuộc tranh cử đối đầu với ứng cử viên Đảng Dân chủ James Buchanan, người đồng hương với ông ở Lancaster. Tuy vậy, Pennsylvania đã bầu cho Buchanan, giúp ông chiến thắng.[53] Stevens tiếp tục hành nghề luật, nhưng đến năm 1858 khi cả Tổng thống và đảng của ông đang ít được ủng hộ sau các tranh cãi như vụ Dred Scott, Stevens nắm lấy cơ hội để trở lại Quốc hội. Với tư cách là ứng viên Đảng Cộng hòa, ông dễ dàng đắc cử. Những tờ báo ủng hộ Đảng Dân chủ tỏ ra kinh hoàng. Một tờ có hàng tít viết là "Chủ nghĩa da đen đắc thắng" ("Niggerism Triumphant").[54]

Cuộc bầu cử năm 1860; khủng hoảng ly khai

Stevens nhậm chức trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 36 vào tháng 12 năm 1859, chỉ vài ngày sau khi John Brown bị treo cổ, do đã tấn công vào kho chứa vũ khí ở Harpers Ferry với hy vọng gây ra một cuộc nổi dậy của nô lệ. Vào lúc này, Stevens phản đối những hành động bạo động của Brown, nhưng sau này ông tỏ vẻ tán thành hơn. Các căng thẳng vùng miền ảnh hưởng đến Hạ viện, mà suốt tám tuần không thể bầu chọn được một Chủ tịch. Stevens tham gia tích cực vào cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai bên; có lần Dân biểu từ Mississippi là William Barksdale đã lấy dao ra dọa Stevens, nhưng chưa dẫn đến máu đổ.[55]

Quan điểm miền Nam về các thỏa hiệp được đề xuất trong năm 1860 và 1861, trong đó "Bác sĩ Bắc" (tức Stevens) đề nghị cắt bỏ đôi chân của miền Nam qua tu chính án hiến pháp. Trên thực tế, Stevens phản đối các biện pháp này.

Do Đảng Dân chủ không thể thống nhất chọn một ứng viên, Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hòa năm 1860 trở nên then chốt vì người được đề cử sẽ có vị trí thuận lợi để thắng cử. Những nhân vật nổi bật trong đảng như Seward và Lincoln ra tranh cử. Stevens tiếp tục ủng hộ Thẩm phán McLean lúc đó đã 75 tuổi. Kể từ cuộc bỏ phiếu thứ hai, hầu hết các đại biểu từ Pennsylvania đã ủng hộ Lincoln, góp phần đưa ông đến chiến thắng. Vì không đảng viên Dân chủ nào ứng cử tại khu bầu cử của ông, Stevens được bảo đảm sẽ đắc cử vào Hạ viện và vận động cho Lincoln ở Pennsylvania. Lincoln giành đa số phiếu trong Đại cử tri đoàn. Ngay lập tức, quan điểm phản đối bành trướng chế độ nô lệ của Tổng thống tân cử đã khiến một số tiểu bang miền Nam nói đến chuyện ly khai, một mối lo âu mà Stevens đã coi nhẹ trong cuộc vận động.[56][57]

Khi Quốc hội triệu tập vào tháng 12 năm 1860, một số tiểu bang miền Nam đã hứa hẹn ly khai. Stevens cương quyết phản đối nỗ lực nhượng bộ người miền Nam, như trong Thỏa hiệp Crittenden, trong đó đưa chế độ nô lệ vào vị trí bất dịch theo hiến pháp.[58] Trong một tuyên bố được trích dẫn rộng rãi tại cả miền Bắc lẫn Nam, ông cho biết thay vì nhượng bộ vì Lincoln đắc cử, ông thà "Chính phủ này vỡ thành hàng nghìn mảnh", và lực lượng Hoa Kỳ sẽ dẹp tan bất cứ cuộc phiến loạn nào.[59] Bất chấp phản đổi của Stevens, chính phủ vịt què của Buchanan ít có động tĩnh gì để đối phó các cuộc bỏ phiếu ly khai, khiến hầu hết các tài nguyên liên bang ở miền Nam rơi vào tay quân phiến loạn. Nhiều người, ngay cả những người trong phong trào bãi nô, vẫn hài lòng để miền Nam ra đi. Stevens không đồng ý, và ông "chắc hẳn vui mừng" khi Lincoln tuyên bố trong diễn văn nhậm chức đầu tiên vào ngày 4 tháng 3 năm 1861 rằng ông sẽ "giữ, chiếm đóng, và chiếm hữu những sở hữu và địa điểm thuộc chính quyền".[60][61]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thaddeus_Stevens http://www.britannica.com/EBchecked/topic/565949 http://www.historynet.com/thaddeus-stevens.htm http://jacobinmag.com/2012/11/lincoln-against-the-... http://search.proquest.com/docview/304361240 http://digitalcommons.buffalostate.edu/cgi/viewcon... http://housedivided.dickinson.edu/sites/emancipati... http://www.gettysburg.edu/about/college_history/ http://quod.lib.umich.edu/j/jala/2629860.0021.104?... http://bioguide.congress.gov/scripts/biodisplay.pl... http://bioguide.congress.gov/scripts/guidedisplay....